Category: Lặt vặt

Mưa


Tôi nghe lại một bài hát của Elvis Phương hát, vì trời đang mưa và mình cũng bỗng nhiên cô đơn lạ thường

 

Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm

Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em

Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa

Chẳng lẻ chung một lối về mà nỡ quay mặt bước đi

 

Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần

Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim

Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen

Đừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn

 

Rồi thời gian lặng lẽ trôi,

Đời tôi là cánh chim đi khắp phương trời

Mà đời em là ước mơ,

Đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ

 

Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền?

Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân

Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa..

Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa

 

 

Đời tôi đến giờ chưa có được cái diễm phúc được trú mưa chung với một cô nàng mặc áo trắng nào, những cơn mưa của tôi thảm hại lạnh lẽo, có khi thì chạy trốn, có khi thì tắm mưa, có khi cũng được khô ráo nhìn qua cửa sổ thấy các cô bên kia đường vội vã vén tà áo chạy ngang đường, vải trắng tinh hằn lên vùng huyền thoại.

 

Giá như chỗ ấy có mái hiên, giá như tôi và cô ấy chung lối về, hẳn tôi sẽ nói

 

Chà, mưa đ gì mà to bạn nhỉ, hay là mình làm quen đi ?!

 

Hẳn là cô ấy sẽ gật đầu vì con người vốn hay gần nhau hơn khi cùng chung cảnh ngộ. Dưới cơn mưa là sự ướt át, bất lực, áo không đủ dày, da không đủ ấm để che đi cơn lạnh, tôi và cô nàng hẳn sẽ có chung một mái che để cần. Khi nước hắt qua mái hiên, chúng tôi co người tránh né, mà biết tránh đi đâu, chỉ còn cái hồn nhiên bất tận của tâm hồn, của ánh mắt, quần áo chúng tôi chẳng làm nên cao thấp, sự quan tâm của chúng tôi bỗng dưng bình đẳng lạ thường, chẳng còn học vấn, chẳng còn lời mẹ dặn, chẳng còn thành trì nào nữa, y như những đứa trẻ chúng tôi chỉ biết có một cơn mưa để chờ và trao đổi. Tiếng nói lẫn trong tiếng mưa, chúng tôi  nhìn lẫn nhau khi răng va lập cập vì lạnh và sẽ cười phía bên kia, rồi lại cười mình

 

Nếu may mắn hơn nữa chúng tôi sẽ hiểu nhau trong thời khắc mong manh của tâm hồn chỉ để biết rằng mình cô đơn đến chừng nào trước thời tiết.

 

Hôm nay trời mưa ấy mà tôi lại chả có duyên, giọt lại giọt cứ tí tách bên hiên, buồn lại buồn cứ liên miên liên miên.

Đi bộ


Một sáng cuối năm, khi tôi nghĩ tôi nên trồng một cái cây, tôi nghĩ mình nên trồng bụi hồng, khi tôi nghĩ mình nên trồng một bụi hồng tôi lại nghĩ đến em, khi nghĩ đến em tôi lại nghe một bản nhạc của Rachmanioff, khi nghe một bản nhạc của Rachmanioff tôi lại rơi vào thời gian, tỉnh dậy thì tôi đang trồng một cái cây còn tiếng nhạc đang phát ra từ tai phone.

Tối hôm qua em bảo, mấy năm rồi anh có còn bực em không ? Đúng lúc thì thằng bạn gọi tôi bảo chú với anh phải làm cái tất niên thật hoành tráng, bạn bè thật đông, tăng 2, tăng 3 và tăng đéo và tăng đéo gì nữa chú ạ. Thế rồi sáng hôm nay trên đường đi làm tôi lẩm nhẩm đếm bước chân mình, con đường vô tri mà bước chân cũng nhạt nhoà. Tôi biết phía trước và tôi biết đằng sau.

Những bước đầu tiên tôi nhớ đến mái trường ngày xưa, em mặc áo kẻ caro, quần màu hồng, em đẹp đến nao lòng, tóc em dài ngang vai, đen nhánh tung bay trong gió, tiếng cười em nhảy múa như hoa cười trong nắng, giòn tan nhưng sao cứ nhỏ dần nhỏ dần rồi biến mất tiêu. Trong sân trường đất đỏ chỉ còn tôi và tiếng gió vi vu, mùi nhựa thông thoang thoảng giữa trời. Tôi bước ra ngoài, dưới chân mình là con đường sỏi lạo xạo dưới chân

Những bước bâng khuậng, tôi thấy em trong buổi chiều mưa, chúng tôi đèo nhau bằng chiếc xe đạp cũ trên đường Tô Hiến Thành. Lúc ấy tan tầm, tôi đói và mệt, em ngồi đằng sau tôi, hơi thở của em phả vào lưng tôi nóng hổi. Trời chiều chuyển về đêm mà dòng người vẫn đi không ngớt. Tiếng còi xe hỗn loạn, âm thanh va vào màng nhĩ ù đặc rồi loãng đi, chỉ còn tôi trên đường phố. Tôi bước ra khỏi đoạn đường có tán cây va vào nắng sớm.

Những bước cuối năm, tôi và em trong một sáng tinh mơ, hai bàn tay chúng tôi đặt cạnh nhau. Em hỏi, anh tự nhận là thằng cuốc đất, sao tay anh em chẳng thấy vết chai. Nắng chiếu qua tay em, chúng nhỏ xíu, nắng chiếu trên khuôn mặt em, nó cũng nhỏ xíu, tôi và em đang ngồi trên bãi cỏ. Chợt tiếng chuông điện thoại reo em phải nghe ai gọi, tôi bừng tỉnh tra chìa vào ổ khoá, cửa cổng mở ra cọt kẹt rỉ sét. Bên trong là khu vườn nhỏ của tôi.

Tôi vẫn đang nghe một bản nhạc của Rachmanioff. Tôi cầm ký ức của mình săm soi, tinh khôi như cành lan mới nở trong vườn kia, như ngày hôm qua

Trung thu


Đêm qua anh ra vườn , thường thì ra vườn chỉ mỗi việc đi đái, mát khô thoáng mỗi tội hơi khai, nhưng cứ đái thôi, vài bận lại xối nước tẩy trần. Nói thế, hôm nay anh ngắm trăng cho đời nó phong phú, buồn phiền kết hợp thì chỉ toalet mới xong.

Rảo chân quanh quẩn trong vườn một hồi anh nghe thoáng có tiếng trống tùng tùng bên khu tập thể lẫn trong tiếng xe, tiếng còi ngoài xa lộ. Đám ma?  Anh nghe kể người miền Nam xưa chết già thì được ăn mừng, trống chiêng ủm tỏi, thuê bống hát những bài Ồ Yé ca ngợi tình yêu sau lưng cuộc sống.

Phong tục mỗi nơi mỗi khác, các anh Tây Nguyên nhà mình còn có cả trò treo ngược xác lên trời cho chim rỉa, chẳng biết có lên trời sớm hơn không nhưng chết thì hẳn cũng hết rồi, nhưng sống khôn thác thiêng thành thử anh cũng không dám nói càn, các bác bên trên linh thiêng xuống quở, lẹo mịa dái thì phiền não vô cùng.

Tầm gần 10h, thơ thẩn xong xuôi thì mấy tiếng tùng cheng inh ỏi đến cổng nhà, trống múa Lân. Đầu lân sơn son thếp vàng lúc đưa lên lúc hạ xuống, đuôi lân vằn vèo dung dăng dung dẻ, ông địa bụng phệ cầm quạt phe phảy, một đàn ông nhõi mồ hôi như tắm, chả bài vở chó gì rặt phim Tàu.

Internet

(internet)

Mắt anh nhìn, tay anh móc túi cúng tiền may.

Ô hô, chết toi trung thu cơ chứ đ’o phải đại gia nào đứt cả, thế bòi nào lúc nẫy lẩn thẩn nghĩ là chết chóc. Đoàn Lân đi ra anh vào pha ấm nước, bắn điếu thuốc; khói bay dật dờ trong nhà trống hoác, ôi thôi già trung thu không bánh nhìn xem có khác gì cái chết trẻ, hội trung thu đưa đám những thằng trẻ con trong xác người lớn, mỉa mai thật.

Chạnh lòng anh nghĩ lại ngày xưa vui biết bao nhiêu, quá khứ như miếng bánh ngon nhấm mãi hãn thòm thèm. Rồi Vân, Vi, Trang, Quỳnh, Hồng, Mai, Tuyết, Đào ùa về, các em lúc bé trắng hồng, hôm nay cho chồng bú hay cho con bú? Đã chẳng yêu anh thủa nhỏ thì lớn lên có còn nửa đêm vào rừng đốt lửa chơi trốn tìm với trai tơ.

Thăm nhà


Việc được ở trong một căn nhà đủ lớn đủ lâu để có những ngóc ngách của riêng mình, sau đấy đi chỗ khác rồi lại quay về hóa ra cũng hay.

Mình bắt gặp thằng mình cách đây 18 năm ở góc vườn, với cái chòi cạnh bức tường gạch đầy rêu

Mình bắt gặp cái thằng  mình cách đây 15 năm trên la phông, băng cassette, ruột máy walkman, điện thoại bàn quay số, mạch điện tử chất đầy một chỗ.

Mình bắt gặp thằng mình cách đây ngót chục năm nằm dưới sàn gỗ gác xép, bao thuốc Melía mua trộm, điếu thuốc dụi vội và tập 7 đêm khoái lạc giấu trong đệm.

Mình bắt gặp thằng mình cách đây 8 năm ngồi trên kệ với quyển sổ gáy đen đầu tiên ghi cái gì tựa như là tình đầu.

Mình bắt gặp thằng mình cách đây 4 năm rúc trong tủ với mớ hợp đồng thanh lý, ổ ứng, vỏ điện thoại, ram, báo khoa học, và cái gì  như là bức thư tình viết dở.

Mình bắt gặp cái thằng mình bây giờ trên sân thượng, đang hút thuốc trông rất trầm tư nhưng không nghĩ gì.

Mình đờ người ra ngắm mấy thằng mình ngày xưa, chẳng biết nó có giống cái thằng mình bây giờ, đờ người ra như thể thời gian biến mất. Chúng mình ngồi nhìn lẫn nhau, chẳng biết đã lâu chưa nhưng không vui không buồn trống rỗng như không.

Hẳn bọn mình chẳng quen nhau, tựa như những vỉa quặng chồng lên nhau trông có vẻ liền khối mà lại rời, nếu không đào lên thì có lẽ là lãng quên, mà đã nhớ đến nhau bao giờ để gọi là quên.

Mình vẫn đang mở Rach, tiếng ai mà như quá khứ nhàn nhạt, tiếng ai mà như tương lai vô định, chắc là vị lai.

Vocalise

Choàng tỉnh, cái thằng mình đang mót đái.

Con thiên nga ngày xưa


Lâu rồi, cuối năm 3 đại học anh ở trọ chung với thằng T và mấy thằng bạn Đồng Nai của nó. Anh ở Nguyễn Kiệm, gần viện 175. Chỗ này là chỗ tụ tập của dân giang hồ cho vay nặng lãi và gái điếm nổi tiếng ở Phú Nhuận. Rất may, cũng là chỗ ở của đám bác sĩ viện 175, thầy thuốc và má mì cách nhau vài bước chân. Cuộc sống cân bằng một cách đáng sợ.

Châu đại ca, hai chân có xăm hai con rồng uốn lượn rất đẹp và thằng Trương tiểu đệ, hai thằng này đã từng đi tù, có lần thằng Trương tâm sự với anh là việc nó sợ nhất trên đời không phải đi chém, bị chém hay bị công an bắt mà là việc ngày xưa nó ở trong tù và phải đi gánh cát. Sau này anh nghe tin nó đã chết, đánh bạc bị công an đuổi và nhảy xuống sông SG, lúc chết còn ôm bị tiền. Cái chết của thằng này không do nỗi sợ của nó mang lại, cũng là phúc, các thằng khác anh không nghe tin gì. Tuy nhiên anh không muốn bàn sâu về việc này.

Ông bà Bình, bố mẹ vợ Châu đại ca, là bộ đội phục viên, đã từng đi chiến trường năm 79( anh nghe kể thôi) làm nghề bán cà phê và chuyên cho gái điếm vay tiền, lãi 20%/ ngày. Tức là làm 100 thì tối về giả 20. Câu chuyện quen thuộc là cô chú cho sinh viên vay nhưng không bao giờ lấy lãi, đĩ điếm nó có cuộc sống riêng của nó, chúng mày không cần thông cảm. Có lần anh cũng uống cà phê và mua thuốc lá thiếu thật, lúc giả tiền không thấy tính lãi. Người ta nói thật đấy, tuy nhiên anh cũng không muốn bàn sâu về việc này.

Tâm, gái làm tiền, người miền Tây đã có con nhỏ, bỏ chồng, cao, bụng đã có vòng mỡ xung quanh da rất trắng mặt đầy đặn và giọng nói hơi khàn, giá hình như là 500K ( anh nghe nói thôi, thời điểm này mà 500k thì cũng là cave có hạng rồi) Cô này nợ ông bà Bình hay má mì tầm 10 triệu, hay xếp ghế nhậu trước nhà với bọn thằng Châu thằng Trương. Có một hôm nó cắn nửa viên thuốc lắc, ngồi khóc bù lu bù loa bảo là :” Em chỉ cầu trời ai cho em 10t trả nợ một lần, em làm trâu làm ngựa cho người ta cũng được”_ gái làm tiền xưng em và gọi anh với đàn ông ở tất cả các lứa tuổi, anh lúc đấy cũng 21 rồi nên nhận được sự ưu ái này là đương nhiên. Anh cũng không muốn bàn sâu về việc này.

Ông bác sĩ vật lý trị liệu, làm ở 175, có nhà 2 tầng, trước sân có một cây xoài rất to, nhưng quả ăn rất khó chịu và nhiều mủ kinh khủng, sau này anh biết đấy là giống xoài hôi. Ông này ít quan hệ với hàng xóm, mở dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà, một lần xoa bóp giá trị 100k( anh nghe kể thôi). Tất nhiên, anh cũng không muốn bàn sâu về việc này

Việt kiều, gì gì đấy, buôn lậu vàng và bạch kim. Mỗi lần đi về tiền lãi đủ phè phỡn ở SG tầm 2-3 tháng, chuyện này cũng không thể bàn sâu hơn.

Chuyện anh muốn nói tới ở đây là hàng xóm của anh, giữa nhà trọ của bọn anh và nhà hàng xóm anh là nhà vợ chồng ông Bình, nhà đấy có 3 cô con gái, quê Dak Lak, con cả, nó đẹp lắm. Anh xin thề từ bé tới giờ, cảm xúc về thẩm mỹ thuần khiết của anh (không vướng bận tình cảm, yêu ghét) chỉ rung động trước 2 người, một chị anh gặp trên xe bus tuyến số 6, chị ấy mặc áo dài, tóc dài, khuôn mặt như đức mẹ, anh gặp được có một lần. Nhưng con cả này suốt năm anh nhìn đi nhìn lại, anh nhìn không chán, nhìn như ăn tươi nuốt sống, nhưng cuối cùng anh lại không nhớ tên nó, cái đẹp lấn át tất cả. Nó cao, trắng, mặt hơi gầy và thanh tú , cả người nó toát ra vẻ quý phái  lắm.

Anh không biết nhiều về nó, chỉ thấy nó chơi với các anh rất to, cao và giàu. Trong 8 tháng ở đó anh thấy nó đi về với 6-7 anh. Anh kế cuối làm ở Bộ Công An ( nghe nói thế).  Anh được nhìn tay này hôm cuối cùng khi nó bay từ HN vào, con cả ra đón, nó mặc đầm satin, các đường cong rõ mồn một, mặt tươi lắm, tươi như hoa. Thằng kia đi taxi về đến nơi, mở của xe đi sầm sập tới chỗ con cả đang cười như mùa thu tỏa nắng, ăn tát rồi, đèo mẹ. Con cả ngồi khóc như chim ri, chú kia đi thẳng vào phòng lấy con Nouvo chạy mất. Hơn 1 tuần sau con cả quen với một anh Việt kiều người Anh giàu và hiền, khoảng chừng hơn 2 tháng sau nó xuất ngoại. Anh cơ hồ như mất niềm vui.

Mãi sau khi nó đi cả tháng thì Châu đại ca mới có dịp kể cho anh, con này là gái bao cao cấp, làm ở vũ trường mả mẹ gì đấy anh không nhớ tên, nhưng sang lắm. Hôm trước lúc nó đi, anh còn nghe tiếng nó trách con em gái là không mua báo Tuổi Trẻ, lẽ nào lại vậy. Anh muốn bàn về chuyện này.

Chuyện này thật 100%

Chiều một mình qua phố


Tối Bảo Lộc lang thang thế nào, chui mẹ vào Romance, lối cũ ta về, ngựa quen đường cũ cũng đến thế là cùng. Chỗ này xưa anh với hội hạt chè thường ngồi tán láo. Đèo mẹ cái dự án, tí nữa mất hết bạn bè.

Anh gọi cốc nước, chính ra lúc này anh muốn bú bia nhưng sợ say không về được thì khổ, khách sạn thì xa, hứng bậy và hứng một mình như thế quả là rất ngu.

Lúc chiều đi xe ngang qua Trà Tiên, xưa đẹp, thâm trầm là thế mà giờ xao xác cỏ trên nền đá trắng, cột gỗ loang lổ ngả nghiêng, anh mới hiểu thế nào

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Hả nốt hơi thuốc, tháo cây Lan ra, gái cũng như hoa nhỉ, không thích không được, không yêu không xong. Bảo Lộc đi ba năm quay lại vẫn vậy, có khi tiền bo massage cũng không tăng, nhẽ đâu lại thế. Nói chuyện với gái, bấm bụng lại thôi. Đi hết cuộc đời biết có mấy lần người ta thật lòng với nhau ?

Tay chủ quán đang mở bài này
Cô láng giềng

Lại buồn ỉa, mấy hôm nay chả biết ăn phải cái gì ngu mà bụng cứ âm ỉ lên hết cả, lúc nào cũng có lọ berberine trong người, đi mạnh chân là kêu xành xạch. Hôm trên DL thằng T đùa bảo là Viagra ? Được thế  đã hay, anh để dành về già đi đa*i cho khỏi ướt chân.

Đúng và sai


Hôm nay anh không vui, cũng thường vì đời lắm khi nó không đi theo ý của mình. Anh nghĩ về ‘ vui” vậy, đơn giản hơn là happy, người ta đôi khi phải có một phút yếu lòng để nghĩ về những thứ ngu xuẩn đến dường này.

Có khá nhiều định nghĩa về hạnh phúc, anh cũng có một cái định nghĩa cho riêng mình, ngõ hầu sống sót thôi. Sống đến bằng này tuổi đầu, anh mới nhận ra một điều cuộc đời vốn dĩ tẻ nhạt, trong 7 tỉ người trên hành tinh này, mỗi một con người đều có một chức phận riêng, một giá trị riêng, xét từ góc độ cá nhân, đều buồn chán như nhau, có phải ai cũng có điều kiện trở thành Osama Binladen, suốt ngày bận rộn với bom đạn đéo đâu.

Một sự thật đáng buồn, khi ta hai mươi, tuổi trẻ tinh khôi và đầy hứa hẹn, ta đủ sức khỏe đủ tinh thần để mơ ước những điều vĩ đại, cưới hoa hậu, giàu như Bill Gates. Lớn hơn chút ta mơ những điều bình dị như kiểu xây cung điện, cưới hoa khôi trường, đi xe Roll Royce, lớn hơn chút nữa ta mơ những điều nhỏ nhoi như thể ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, có suối nước róc rách và cô nàng ta yêu khỏa thân phơi nắng trên bờ, và có lẽ lớn hơn chút nữa thì  chỉ cần giả nợ hết cho đời là đủ.

Những giấc mơ lung linh cứ thui chột (theo nghĩa ngớ ngẩn) dần theo thời gian, cho đến cuối cùng việc ta làm chỉ cốt để thỏa mãn cái tôi nhạt nhẽo của bản thân. Những thứ vĩ đại chẳng bao giờ đủ cho bảy tỉ người, sức đâu mà tranh giành mãi và đến khi hơi tàn lực kiệt hạnh phúc có khi chỉ là một bữa cơm không muối, hay đơn giản hơn, một ngày bình thường.

Năm ngoái khi nói chuyện với con bạn, nó thốt lên rằng: “Chú ơi, theo chị  hạnh phúc là biết dừng lại”. Rồi bảo nhõn câu : “ Lấy vợ đi, rồi mày sẽ biết hưởng thụ cuộc đời theo một góc nhìn khác”. Anh và con này nói chung đều thuộc hạng cùn, cố chấp và thừa lý lẽ để phản biện lẫn nhau. Thế mà hôm nay anh với nó đối diện nhau, khi nó đã sở hữu hai thằng giai, một là chồng, hai là một thằng cu kháu khỉnh. Anh chột dạ, có khi mình dã nhầm. Anh hỏi và thật lạ, nó cũng bảo nó đã nhầm. Nó thèm một cuộc đời sinh động, cũng như anh, thèm một bữa cơm nhạt nhẽo.

Hẳn, không có một công thức chung cho hạnh phúc và lại càng  không có một cách lý giải chi tiết cho sướng khoái của những cái tôi. Trong bức tranh tối sáng nhạt nhòa, có lẽ không bao giờ có chỗ cho sự đúng sai tuyệt đối. Ranh giới nằm đâu đó là sự dấn thân và tự hài lòng, anh không hài lòng, con bạn anh không hài lòng, chúng ta cũng không hài lòng. Cuối cùng là một tổ hợp bầy nhầy những ham muốn lẩn khuất trong những mối quan hệ xã hội.

Tệ thật, thằng cháu đang ôm cổ anh trong lúc anh đang gõ phím. Anh quay lại nhìn, đôi mắt long lanh anh đã từng có, cuộc đời trong veo anh đã từng có.

Ui trời, đời là con bệnh 😛

Càm ràm


Đã từ rất lâu anh đã chẳng dám tự nhận mình là người lương thiện.

Ngày xưa khi còn nhỏ bà hay kể cho anh nghe về cảnh địa ngục ở chùa Bi, nơi con quỷ sứ có răng nanh, lưỡi đỏ sẵn sàng dìm người ác vào vạc dầu đang sôi. Đã có lúc anh từng đinh ninh cái ác luôn luôn bị trừng phạt.

Lớn lên một chút anh đã chẳng dám hỏi cô giáo rằng cô Tấm hiền thế sao ăn thịt người. Dần dần anh đã chẳng còn dám hỏi thiện ác là gì.

Rồi hôm nay, ngồi trong căn phòng mờ, anh nhìn lên màn hình máy tính nơi các bạn anh đang “ pray for Japan một cách vô tư”  thì bên kia thế giới người chết máu đổ.  Ngoài cửa sổ, phía sau bụi hồng đang nở, cô công nhân mới đi làm về, cô phơi quần áo, gác trọ tí teo bần hàn. Biết được, đâu đây quan anh mơ màng trên đống bạc tỉ lấm lem.

Cái thiện đã chẳng còn phát ra được thứ ánh sáng của riêng mình. Những thước đo mới được hình thành, những chuẩn mực đạo đức cũ rạn vỡ trong một thế giới  mới, hỗn loạn và mất niềm tin. Ở quê anh công an thổi phạt phải trốn,  luật có trong toilet nhưng ko có trên đường và học sinh thu âm giáo viên post lên mạng đang là mốt.

Bên kia sông là thành phố, có lẽ cô bạn anh đang cố để yêu.

Anh nỏ biết tác giả bài thơ là ai, nhưng xin phép được trích ra đây hẵng

_Mẹ ơi sao người tốt thường đến muộn?

_Vì người tốt thường nhường đường con ạ

Giữa cuộc đời nhiều dối trá

Người tốt thường thiệt thòi hơn

_Mẹ ơi, sao người tốt hay cô đơn?

_Vì con người mấy ai thực lòng chia sẻ

Giả dụ mẹ có nỗi buồn nhé

Mẹ sẽ giữ riêng mình

_Mẹ ơi, sao người tốt thường chỉ có một mình?

Một mình như là mẹ ấy

Không, người tốt nhiều đấy

Chỉ có điều chẳng dễ nhận ra

_Mẹ ơi, sao người tốt toàn ở xa?

Chẳng ai gần mình cả

Những khi mình buồn bã

Đi mãi, chờ mãi mới gặp người

_Con ơi, người tốt không ở gần

Vì mình không cần người tốt

Nên họ đi giúp người khác

Chứ không phải ở xa đâu

_Mình không cần ạ? Tại sao?

_Ừ, vì người tốt làm mình sợ

Nếu xung quanh toàn người tốt thế

Chúng ta biết sống thế nào?

Điều mịa, đi đái nhớ phải dội nước nhưng ra đường thì vô tư đi mấy thằng ôn dịch, tí đâm phải anh.

Pray for me 😀

Đêm ngắm Đào nở muộn


9h đêm,  lẩn thẩn đi mua gói thuốc. Từ nhà ra quán 09 tầm 80 bước. Chuyện chẳng có gì, nếu anh vẫn ở đây. Hoặc giả anh vẫn đi và không nhìn thấy cây Đào nở hoa.

Năm ngoái anh vẫn ở đây

Con đường đi làm với hàng cây

Vài gương mặt quen

Bữa ăn, bữa ỉa

Một tổ hợp những thứ tẻ nhạt, buồn chán, ít thay đổi và rất trật tự ẩn trong những lớp thời gian, ngày qua ngày không gợi lên một chút hoài niệm nào, vô hình như những thói quen thế mà bây giờ anh lại nhớ.

Hẳn, hệ quả thú vị nhất của thói quen là “lơ”, lơ từ trong ra ngoài, lơ một cách tự nhiên vì nó quen thuộc quá mức. Một vài ngày ăn cơm nhà cũng đủ “lơ” luôn cái quý của bữa cơm chung. Một vài tháng sống làm việc, đủ để “lơ” sạch trơn những thứ xung quanh và bắt đầu hòa nhập. Một vài năm không qua lại, đủ để “lơ” tiệt một mối tình và bắt đầu kiếm một mối tình mới. Nhưng liệu bằng ấy có đủ để “lơ” cái ch*m của mình không ?

Ngắm cây Đào thật lâu, năm nay nó có hoa, lạ lẫm. Có lẽ anh bắt đầu lờ mờ nhớ đến cây đào năm ngoái và có lẽ cũng bắt đầu anh chẳng phải là dân ở đây phỏng các chú? 😀

Hello


Nửa đêm về sáng ngồi ở chỗ đồng không mông quạnh, chẳng biết đi đâu, đã vậy anh viết blog tán láo  cho hết năm rộng tháng dài 😛